Cách mạng tháng Tám thành công. Dưới chế độ dân chủ nhân dân, nền thể dục thể thao cách mạng ra đời, trong đó thể thao quân đội được xác định là lực lượng nòng cốt của nền thể dục thể thao nước nhà. Năm 1946, cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, các phong trào thể dục thể thao gắn với phong trào thi đua ái quốc do Trung ương Đảng, Bác Hồ và quân đội phát động đã tạm lắng xuống và chuyển hướng sang động viên, khuyến khích các chiến sĩ trong quân đội phải giữ gìn sức khoẻ, tăng cường thể lực nhằm đảm bảo chiến đấu thắng lợi. Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954, Hiệp định Genève được ký kết, hoà bình trở lại trên miền Bắc Việt Nam. Để chuẩn bị cho đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, ngày 23/9/1954, theo chỉ định của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị - Đội công tác Thể dục thể thao Quân đội (hay còn gọi là đoàn Thể công) được thành lập gồm 23 cán bộ chiến sĩ của trường Sỹ quan Lục quân được chia làm ba đội: 11 cầu thủ bóng đá, bóng rổ 5 người, bóng chuyền 6 người và 1 cầu thủ dự bị. Đoàn Thể công được sinh hoạt và tập luyện tại khu vực sân Cột cờ Hà Nội. Từ đây, công tác thể dục thể thao trong quân đội thực sự phát triển mạnh mẽ.